Trang chủ / Xử lý kẻ cướp thế nào để không vi phạm pháp luật?

Xử lý kẻ cướp thế nào để không vi phạm pháp luật?

18/04/2022


Cướp tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Nhưng nếu người bị cướp tài sản có hành vi đánh trả gây thương tích hoặc thậm chí là làm chết người thì có thể sẽ trở thành tội phạm.

Pháp luật cho phép người dân được thực hiện các hành vi chống trả lại khi thấy tài sản, tính mạng của mình đang bị xâm phạm. Điều này không đồng nghĩa với việc có thể tự ý chống trả lại dẫn tới bị thương nặng hoặc tử vong.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều 20 Hiến pháp đã khẳng định: 

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. 

Ngoài ra, Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ: 

1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Do đó, dù là người đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng đều được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe một cách công bằng, bình đẳng.

Tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.

Trường hợp người phạm tội có mang theo hung khí thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người này.

Như vậy, khi gặp kẻ cướp, không nên quá kích động và mất bình tĩnh để dẫn đến hành động vi phạm pháp luật, cần áp dụng những biện pháp áp chế tội phạm một cách phù hợp, đồng thời báo cho cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.