Trang chủ / Vay FE credit không trả có làm sao không?

Vay FE credit không trả có làm sao không?

27/07/2020


Dễ vay, phổ biến và lãi cao là những đặc điểm thường được nhắc tới của các công ty tài chính như FE Credit, Homecredit. Vì thế, nhiều người xuất hiện suy nghĩ vay rồi "bùng". Vậy, trên thực tế, vay FE credit không trả có làm sao không?

Gặp khó khăn khi vay tiền ngân hàng

Khi ký vào hợp đồng vay với FE Credit (công ty tài chính), giữa người vay và FE Credit tồn tại mối quan hệ vay mượn. Người vay không thanh toán tiền cho Công ty đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền.

Nếu không trả tiền, người vay sẽ thuộc đối tượng nợ xấu và gặp khó khăn, thậm chí không thể vay được tiền từ các ngân hàng và công ty tài chính khác.

Bởi, hiện nay, theo Văn bản hợp nhất 07/VBHN-NHNN năm 2018, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) là cơ quan đầu mối để lưu trữ các hoạt động thông tin tín dụng (thông tin về khách hàng vay và những thông tin liên quan đến khách hàng vay tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được khai thác dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác.

Vì thế, nếu khách hàng có nợ xấu thì rất khó khăn để được vay sau này.

Có thể bị xử lý hình sự nếu trốn tránh trả nợ

Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 04 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, nếu người vay có khả năng trả nợ nhưng lại cố tình trốn tránh trả nợ nhằm “quỵt tiền” thì có thể bị khởi tố hình sự. Hiện nay, khung hình phạt cao nhất của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản lên đến 20 năm tù giam.

Bị khởi kiện ra Tòa án và bị cưỡng chế thi hành án

Hợp đồng vay giữa FE Credit với khách hàng là một hợp đồng dân sự.

Vì thế, nếu người vay thật sự không có điều kiện trả nợ thì bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự. Người vay sẽ mất thời gian đến Tòa án trong quá trình tiến hành xét xử.

Đồng thời, khi thua kiện sẽ phải đóng án phí. Sau khi thua kiện, trường hợp người vay vẫn không trả nợ thì bên cho vay sẽ yêu cầu thi hành án.

Cơ quan thi hành án sẽ tìm kiếm nguồn thu nhập của người vay để thì hành án như khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định

Nguồn: Luật Việt Nam