Trang chủ / Từ 20/09/2020 công chức, viên chức sẽ bị mất việc nếu vi phạm các lỗi gì ?

Từ 20/09/2020 công chức, viên chức sẽ bị mất việc nếu vi phạm các lỗi gì ?

22/09/2020


Ngày 18/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2020/NĐ-CP có nhiều quy định đáng chú ý về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó quy định các hình thức kỷ luật buộc thôi việc công chức, viên chức.

Đối với công chức: ( Điều 13 Nghị định 112)

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;

3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;

5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

Đối với viên chức: ( Điều 19 Nghị định 112)

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;

3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;

4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, so với quy định cũ tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP có thể thấy, Nghị định mới đã liệt kê đầy đủ và bao quát hơn các trường hợp công chức, viên chức vi phạm đến mức bị kỷ luật buộc thôi việc.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20/09/2020 và bãi bỏ Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011

Hệ Thống Luật Thịnh Trí