Thứ 2 - 7 7:45 AM - 17:15 PM
Trang chủ / TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí: “Trách nhiệm của doanh nhân là hiểu và tuân thủ pháp luật”
28/06/2023
Tôi gặp lại TS. Nguyễn Vinh Huy sau khi ông mới đắc cử vị trí Phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 3. Lúc này, ông đang chuẩn bị cho sự kiện chào mừng 20 năm thành lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, nên buổi trò chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại trao đổi về công việc chuyên môn cũng như những việc chuẩn bị cho sự kiện này. Trong cuộc trò chuyện, ông bày tỏ sự trân trọng, biết ơn tới các đối tác, cộng sự và những người đã đồng hành, hỗ trợ ông gây dựng, phát triển Hệ thống Luật Thịnh Trí trong đó đầy đủ các dịch vụ bổ trợ tư pháp trải rộng không chỉ trên địa bàn nhiều quận, huyện của TP.HCM mà còn ở các tỉnh khác như Bình Phước, Bến Tre…
* Thông thường, khi khởi nghiệp trong lĩnh vực pháp lý, các luật sư chọn tên của mình làm tên gọi của văn phòng, hoặc công ty, riêng ông thì chọn tên Thịnh Trí…
- Đúng là rất nhiều người khi làm việc với Hệ thống Luật Thịnh Trí tưởng tên của tôi là Trí. Bởi thông thường các luật sư thường chọn tên cá nhân để đặt cho văn phòng của mình. Tuy nhiên, tôi có một góc nhìn khác, từ khi khởi nghiệp tôi đã khát khao mở nhiều chi nhánh ở các quận, huyện, các tỉnh, thành và tìm luật sư cộng sự để cùng tuyên truyền pháp luật và chấp hành pháp luật, để hỗ trợ cộng đồng trong lĩnh vực pháp luật. Sau đó, tôi nhận thấy chỉ một mảng luật sư vẫn chưa đủ, vì đó mới chỉ đáp ứng một khía cạnh, bởi ngành bổ trợ tư pháp còn nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau và đó là lý do ngày hôm nay có Hệ thống Luật Thịnh Trí với đa dạng lĩnh vực từ luật sư, công chứng, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, quản tài viên, đấu giá, định giá và các lĩnh vực khác liên quan tới bổ trợ tư pháp. Hệ thống Luật Thịnh Trí hiện trải rộng trên nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Phước, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Và ông đã hài lòng với Hệ thống Luật Thịnh Trí hiện nay?
- Từ một người gần như tay trắng, không người đỡ đầu, hướng dẫn, tự mày mò, rồi trải qua bao thăng trầm để có được ngày hôm nay, phải nói là tôi thực sự hài lòng. Nên tôi vẫn thường nói vui, kể cả bây giờ trở về con số không tôi vẫn hài lòng vì những gì đã làm được. Trong quá trình hành nghề, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không phải lúc nào cũng hỗ trợ và giúp khách hàng giải quyết được vấn đề pháp lý như kỳ vọng. Nhưng có những vụ việc làm tôi nhớ mãi đến tận ngày hôm nay. Đó cũng là động lực khiến tôi cố gắng hơn mỗi ngày để hỗ trợ khách hàng. Đó là vào năm 2004, thông qua những người bạn, tôi được giới thiệu với một doanh nhân người Nhật đầu tư vào Việt Nam. Thời điểm đó, doanh nhân Nhật Bản, Đài Loan… thường đầu tư vào lĩnh vực may mặc. Vị khách hàng của tôi cũng đầu tư ngành hàng này. Do sự thiếu hiểu biết pháp luật, ông ấy nhờ một số người đứng tên mua tài sản tại Việt Nam với số tiền rất lớn ở thời gian đó (khoảng năm 1999) là 50 tỷ đồng. Và người được nhờ đứng tên xem đó là tài sản của họ. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, tôi đã giúp lấy lại được tài sản cho ông ấy. Suốt gần 20 năm nay, doanh nghiệp và đối tác của ông luôn đồng hành để tôi tư vấn pháp lý trong suốt quá trình kinh doanh tại Việt Nam. Đầu năm 2023, ông mất, hiện con trai ông điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành với vai trò đối tác và hỗ trợ pháp lý. Từ chuyện ấy cũng như nhiều vụ việc như vậy tại Việt Nam khiến tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa công việc hỗ trợ pháp lý.
Với phương châm kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn vì sự phát triển của cộng đồng, cùng trách nhiệm với cộng đồng, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của người dân, tôi đã liên tục tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện cùng với doanh nghiệp với tổng số tiền đóng góp hơn 5,6 tỷ đồng từ năm 2018-2022. Tôi xem đây là trách nhiệm phải đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt quan tâm các em học sinh nghèo vì các em là tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, dù hài lòng nhưng tôi vẫn rất trăn trở về vấn đề nhân sự của ngành luật. Bởi nghề luật được xây dựng và phát triển dựa trên uy tín cá nhân. Tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, gắn bó của đội ngũ và những người đã hỗ trợ mình để tiếp tục phát triển, đồng thời hỗ trợ tư vấn pháp lý cho cộng đồng.
* Ông đánh giá thế nào về việc chấp hành pháp luật của cộng đồng hiện nay, đặc biệt là với doanh nhân?
- Trong quá trình tư vấn cho các chủ doanh nghiệp, tôi nhận thấy ai cũng mong muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thuê tư vấn pháp luật, có thể do điều kiện tài chính hoặc do tầm nhìn. Có doanh nghiệp tập trung vào việc kinh doanh, vô tình lại làm sai quy định của pháp luật, dẫn đến hậu quả không lường trước được. Do đó, tôi hy vọng các chủ doanh nghiệp có thể nhìn lại và ghi nhận vai trò của việc hỗ trợ pháp lý trong quá trình đi đến phát triển bền vững. Mặt khác, hiện các quy định pháp luật đâu đó còn tồn tại sự chồng chéo nên việc áp dụng còn có sự hiểu khác nhau, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi chấp hành pháp luật. Và một số doanh nghiệp vô tình vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
* Vậy theo ông, pháp luật đóng vai trò thế nào đối với thành công của doanh nghiệp?
- Tất cả mọi vấn đề và mối quan hệ trong xã hội đều được điều chỉnh bởi pháp luật. Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững bắt buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật và để thực hiện được thì bản thân người đứng đầu doanh nghiệp phải có tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như am hiểu quy định pháp luật, nếu không, phải có cố vấn pháp lý. Vì vậy, doanh nghiệp nào xem trọng và hướng đến sự phát triển bền vững thì phải có sự hỗ trợ về mặt pháp luật trong quá trình kinh doanh. Đối với các tập đoàn lớn thì nên có ban pháp chế ngay tại doanh nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đủ điều kiện về mặt tài chính, có thể thuê tư vấn theo vụ việc. Hoặc có thể nhờ tư vấn miễn phí từ các tổ chức. Chủ doanh nghiệp cũng có thể tự tìm hiểu về pháp luật để tuân thủ trong quá trình kinh doanh theo đúng quy định. Đây cũng là văn hóa của doanh nghiệp, để nhân sự khi đồng hành với chủ doanh nghiệp cảm thấy an tâm.
* Quan điểm của ông về trách nhiệm của doanh nhân trong bối ảnh hiện nay?
- Theo tôi, để doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nhân phải am hiểu và tuân thủ pháp luật. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nhân trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài việc chăm lo cho người lao động, doanh nhân còn phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội trong khả năng của mình. Có nhiều hình thức đóng góp, không chỉ là vật chất mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp đi sau cũng như chia sẻ tri thức, đào tạo cho các thế hệ trẻ, thế hệ kế thừa.
* Với vai trò là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, được giao phụ trách Ban Chính sách pháp luật, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 3, ông sẽ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật?
- Tôi sẽ tổ chức và tham gia các chương trình phổ biến pháp luật, huấn luyện kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chính sách của Nhà nước về các quy định liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ, như pháp luật doanh nghiệp, thuế, chống hàng giả, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại...
Với những chia sẻ về bất cập của quy định pháp luật gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tôi sẽ phản ánh tới chính quyền TP.HCM, các cơ quan có thẩm quyền liên quan khác để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp nhằm mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi. Từ đó, tôi có thể kết nối các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp liên kết và hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.
Đồng thời, với những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn khi hoạt động tại doanh nghiệp, hội và hiệp hội, tôi sẽ tham gia đóng góp ý kiến trong các dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để quy định pháp luật vận hành phù hợp với thực tiễn cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp hoạt động.
Tôi đang tham gia giảng dạy sinh viên chuyên ngành luật và hiện nay là thành viên trong hội đồng khoa học các trường như Đại học Luật - Đại học Huế, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Văn Hiến, Đại học Kinh tế - Luật.
Với lợi thế là chủ tịch sáng lập của một hệ thống cung cấp hầu hết dịch vụ bổ trợ tư pháp, tôi tập trung hướng dẫn cho sinh viên về thực tiễn hành nghề, cụ thể về các ngành nghề phù hợp với sinh viên luật sau khi tốt nghiệp, các tình huống đã xảy ra trên thực tế và phương án giải quyết, các kỹ năng cần phải có khi hành nghề luật đối với từng ngành nghề. Sau khi sinh viên nắm được lý thuyết, cùng những chia sẻ về thực tiễn làm việc, tôi khuyến khích cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên tham quan thực tế tại hệ thống luật của chúng tôi thông qua việc kiến tập, thực tập tại Hệ thống Luật Thịnh Trí - nơi mà các em sẽ hình dung rõ ràng nhất về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, các kỹ năng và kiến thức bản thân cần tích lũy.
* Ông có thể chia sẻ mong muốn với Hệ thống Luật Thịnh Trí trong chặng đường tiếp theo?
- Đến nay, Thịnh Trí đã đánh dấu một mốc quan trọng - 20 năm thành lập và trưởng thành - một chặng đường đủ dài với nhiều thăng trầm. Khó khăn, thử thách đặt ra với Thịnh Trí tới đây sẽ ngày càng nhiều nhưng cũng mở ra những cơ hội, hướng đi mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thịnh Trí luôn theo đuổi mục tiêu, phương châm hành động là “Đúng cam hết, trọn niềm tin”, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống, thành quả đạt được trong 20 năm qua để kiện toàn, phát triển, ngày càng chuyên nghiệp hơn, đóng góp nhiều hơn vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Và để thực hiện được mong muốn này thì Thịnh Trí rất cần thế hệ kế thừa. Chúng tôi sẵn sàng đào tạo và bồi dưỡng những cá nhân có định hướng lâu dài với ngành luật. Song song đó, Thịnh Trí rất cần và chào đón các đối tác đang quan tâm đến ngành luật sẽ cùng tham gia, đồng hành ở những chặng đường tiếp theo sau cột mốc 20 năm này.
Thịnh Trí tin tưởng và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành của các đối tác, sự tin tưởng, tín nhiệm của doanh nghiệp, người dân trên từng chặng đường phát triển.
* Cảm ơn ông và chúc Hệ thống Luật Thịnh Trí ngày càng phát triển!
-----------------------------------
Lan tỏa kiến thức pháp luật
Với kinh nghiệm tích lũy trong hơn 20 năm gắn bó với ngành luật, TS. Nguyễn Vinh Huy cho rằng bản thân phải có trách nhiệm với việc phổ biến và lan tỏa chính sách pháp luật tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cũng như giới trẻ khởi nghiệp.
Đó là lý do, ông đã cùng với các đồng nghiệp chủ biên hai cuốn sách: 145 câu hỏi - đáp cơ bản về luật doanh nghiệp năm 2020, phát hành năm 2020 và Pháp luật về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại: Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, phát hành năm 2022.
Thông qua hai cuốn sách này, TS. Nguyễn Vinh Huy kỳ vọng sẽ có những hiệu quả tích cực không chỉ trong giảng dạy, nghiên cứu, mà sẽ có tác động trong việc nâng cao nhận thức và sự am hiểu, tuân thủ pháp luật của các doanh nhân, những nhà quản lý và giới trẻ khởi nghiệp.
5,6 tỷ đồng là số tiền TS. Nguyễn Vinh Huy và Hệ thống Luật Thịnh Trí đã tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội - từ thiện từ năm 2018-2020. Trong đó, có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là với các em học sinh nghèo vì các em là tương lai của đất nước.
Trong thời gian qua, thông qua Hệ thống Luật Thịnh Trí, TS. Nguyễn Vinh Huy đã tổ chức tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho người dân đặc biệt là với những vùng người dân còn gặp khó khăn, không được thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin về pháp luật tại: 2276 đường Vĩnh Lộc, ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM; 90A Phạm Văn Cội, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM; Lô HP I.26 đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Tân, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; 523 ĐT741, khu phố Tân An, thị trấn Đồng Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Hệ thống Luật Thịnh Trí cũng chủ động đặt chi nhánh tại các địa bàn xa trung tâm như huyện Bình Chánh, TP.HCM; huyện Củ Chi, TP.HCM; huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; tỉnh Bến Tre... một mặt thực hiện hoạt động kinh doanh, mặt khác kết hợp với địa phương để tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người dân để người dân có nhận thức đúng, góp phần trong việc tuân thủ quy định của pháp luật.
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn Online.