Trang chủ / Trước đây, tôi có ký hợp đồng lao động với một công ty trách nhiệm hữu hạn với nhiệm vụ và chức danh cụ thể được ghi nhận trong hợp đồng. Hết thời hạn hợp đồng, tôi xin nghỉ việc và hợp đồng lao động tại một công ty khác khoảng được vài tháng thì tôi nhận được giấy của Trung tâm trọng tài thương mại Y

Trước đây, tôi có ký hợp đồng lao động với một công ty trách nhiệm hữu hạn với nhiệm vụ và chức danh cụ thể được ghi nhận trong hợp đồng. Hết thời hạn hợp đồng, tôi xin nghỉ việc và hợp đồng lao động tại một công ty khác khoảng được vài tháng thì tôi nhận được giấy của Trung tâm trọng tài thương mại Y

30/11/2020


báo tôi bị công ty cũ đòi bồi thường một khoản tiền bằng gấp 06 lần tháng lương liền kề trước khi tôi nghỉ việc do tôi vi phạm bản cam kết bảo mật thông tin và không cạnh tranh, vì chưa hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc tôi đã làm việc cho công ty khác với công việc tương tự tôi đã làm tại công ty.

Trung tâm cho tôi hỏi, công ty kiện tôi ra Trọng tài đúng không, tôi có bị buộc phải bồi thường không. Tôi nhớ rằng ngoài hợp đồng lao động, ai trong công ty cũng phải ký bản cam kết trên, nội dung ghi rất nhiều, tôi không đọc vì nghĩ chỉ là hình thức.

Trả lời:

Khoản 2 Điều 23 Bộ luật lao động 2013 (BLLĐ). Về nội dung hợp đồng lao động như sau:

“Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.”

Điều 24 BLLĐ Về phụ lục hợp đồng lao động quy định:

“1. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.”

Như vậy, cần xem xét thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa công ty và bạn là một trong các nội dung trong hợp đồng lao động mà pháp luật quy định. Nếu nội dung thỏa thuận này được lập thành một văn bản riêng không nằm trong hợp đồng lao động phải được xem là phụ lục bổ sung của hợp đồng lao động, là một bộ phận không tách rời hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định thuộc thẩm quyền của Trọng tài nếu quan hệ tranh chấp phát sinh chỉ từ hoạt động thương mại của một bên, có nghĩa là tranh chấp đó phải có liên quan đến hoạt động thương mại của họ, phù hợp với tên gọi là “Luật Trọng tài thương mại”. Còn nếu tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại của một bên thì không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.

Bởi tại Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: Hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung

ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Do trong quan hệ tranh chấp này không phát sinh từ hoạt động thương mại cũng không xuất phát từ hoạt động thương mại một bên nào (không bên nào có mục đích lợi nhuận vì công ty bạn phải trả tiền lương cho bạn, còn bạn được nhận tiền công lao động từ công ty). Quan hệ tranh chấp trong trường hợp này phát sinh giữa người sử dụng lao động và người lao động từ hợp đồng lao động phải do luật lao động điều chỉnh và thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trung tâm trọng tài thương mại Y thụ lý, giải quyết là không đúng thẩm quyền, bạn có quyền đề nghị Trung tâm trọng tài thương mại Y trả đơn cho bên khởi kiện hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu không được bạn cũng có thể khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền giải quyết đến Tòa án nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định theo Điểm c Điều 7 LTTTM.

Mặc dù, bạn không nói rõ trong bản cam kết có thỏa thuận Trọng tài giải quyết khi có tranh chấp hay không. Song trong trường hợp này nếu có thỏa thuận Trọng tài cũng không được chấp nhận vì không phù hợp với quy định của pháp luật, thoả thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu theo Khoản 1 Điều 18 LTTTM.

Trường hợp bạn có bị buộc phải bồi thường hay không phải căn cứ vào thỏa thuận của công ty và bạn có vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội hay không. Nếu thỏa thuận việc bồi thường theo nội dung cam kết là vô hiệu thì bạn không phải bồi thường. Nếu thỏa thuận bồi thường theo đúng quy định của pháp luật thì bạn phải có nghĩa vụ phải bồi thường cho công ty theo đúng cam kết về lao động.

Cám ơn bạn đã tin tưởng Trung tâm trọng tài thương mại Thịnh Trí. Nếu còn điều gì băn khoăn bạn vui lòng liên hệ số hotline 18006365 của Trung tâm để được tư vấn thêm.

Trân trọng!