Trang chủ / Trung tâm TTTM Thịnh Trí cho tôi hỏi khi ký hợp đồng chúng tôi có thỏa thuận trọng tài giải quyết tranh chấp, nay doanh nghiệp kiện công ty tôi ra tòa án có được không?

Trung tâm TTTM Thịnh Trí cho tôi hỏi khi ký hợp đồng chúng tôi có thỏa thuận trọng tài giải quyết tranh chấp, nay doanh nghiệp kiện công ty tôi ra tòa án có được không?

03/08/2020


Kính thưa Trung tâm trọng tài thương mại Thịnh Trí, trước đây, công ty tôi có ký hợp đồng mua xi măng của một công ty. Do bên bán cung cấp hàng không đảm bảo chất lượng, nên công ty tôi chưa thanh toán tiền mua hàng. Công ty (bên bán) đã kiện công ty tôi ra Tòa án. Tòa án đã gởi thông báo cho công ty tôi biết đã thụ lý vụ kiện và yêu cầu công ty tôi trình bày ý kiến về đơn khởi kiện của nguyên đơn. Trung tâm TTTM Thịnh Trí cho tôi hỏi khi ký hợp đồng chúng tôi có thỏa thuận trọng tài giải quyết tranh chấp, nay doanh nghiệp kiện công ty tôi ra tòa án có được không?

Chúng tôi căn cứ vào Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM) và Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) đang có hiệu lực pháp luật để giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Các trường hợp được quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết, mặc dù các bên có thỏa thuận điều khoản trọng tài để giải quyết tranh chấp gồm:

  • Khoản 3 Điều 43 LTTTM quy định: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài khác; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết”.
  • Khoản 4 Điều 43 LTTTM quy định: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.”
  • Điều 17 LTTTM quy định: “Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng

Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.”

Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự : “ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọngnên mặc dù các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài nhưng khi xảy ra tranh chấp các bên có quyền thỏa thuận thống nhất lại phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án hoặc ngược lại đã thỏa thuận Tòa án giải quyết tranh chấp vẫn được quyền thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài .

Do bạn không nói rõ công ty bạn thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể hay chọn một Trọng tài viên trọng tài vụ việc giải quyết, công ty bán hàng cho bạn có phải là nhà cung cấp không bạn cũng không cho biết trước khi doanh nghiệp khởi kiện, hai bên đã có thỏa thuận lại về hình thức, tổ chức trọng tài hoặc phương thức giải quyết tranh chấp không. Trong trường hợp rơi vào Khoản 3,4 Điều 43 LTTTM chỉ có thể kiện ra Tòa án khi các bên không thỏa thuận lại được. Trường hợp rơi vào Điều 17 LTTTM chỉ được Tòa án thụ lý khi được công ty của bạn (người tiêu dùng) chấp thuận. Trường hợp công ty của bạn đã có thỏa thuận lại với bên kia thống nhất Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc nhận được thông báo Tòa án đã thụ lý vụ kiện nhưng bạn không có ý kiến gì về thẩm quyền giải quyết của Tòa án có nghĩa bạn đã đồng ý, thì Tòa án mới được quyền thụ lý, giải quyết.

Trung tâm giới thiệu đến bạn các trường hợp trên, bạn xem công ty bạn thuộc trường hợp nào để xác định tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án hay Trọng tài bạn nhé!

 Lưu ý, để Trung tâm trả lời được chính xác đúng vào trường hợp của công ty, bạn nên cho các thông tin đầy đủ và cụ thể  hơn.

Chào bạn,cám ơn bạn đã tin tưởng Trung tâm trọng tài thương mại Thịnh Trí (TTCAC).                                                  

                                                                                                                        (Tổng thư ký – Phạm Thị Thu Ánh)