Trang chủ / Trọng tài thương mại là gì? Nguyên tắc và điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Trọng tài thương mại là gì? Nguyên tắc và điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

12/03/2022


Theo Pháp lệnh về trọng tài thương mại năm 2003 quy định tại khoản 1 Điều 2 “Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng do Pháp lệnh này quy định.”

Trọng tài thương mại là gì?

Theo Pháp lệnh về trọng tài thương mại năm 2003 quy định tại khoản 1 Điều 2 “Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng do Pháp lệnh này quy định.”

Tại khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại (TTTM) năm 2010 quy định “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”

Tựu chung, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận để giải quyết các tranh chấp thương mại. Trọng tài chính là bên thứ ba được các bên tranh chấp chọn ra để giải quyết các xung đột, bất đồng giữa họ trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện. Để đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết, các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Phương thức trọng tài khác với phương thức hòa giải ở chỗ sau khi xem xét sự việc, trọng tài có thể đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguyên tắc và điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (Điều 4 và Điều 5 Luật TTTM 2010)

Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

4. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo các điều kiện:

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.