Thứ 2 - 7 7:45 AM - 17:15 PM
Trang chủ / Trách nhiệm xã hội của doanh nhân
29/10/2022
1. Trách nhiệm xã hội và mối quan hệ với doanh nhân
TS. Nguyễn Vinh Huy phát biểu về trách nhiệm xã hội của doanh nhân tại buổi sinh hoạt chuyên đề hội nhập phát triển và xây dựng thành phố.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đề cập rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng được các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu, thực hiện. Về khái niệm, trách nhiệm xã hội là hệ thống các quan hệ của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, trách nhiệm xã hội không chỉ giới hạn ở việc tuân thủ, làm đúng pháp luật mà còn là trách nhiệm mang tính tự nguyện đối với người lao động và người nhà của họ, trách nhiệm đối với môi trường và trách nhiệm phát triển xã hội.
Thông thường, các doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội dưới các hình thức: tạo các phúc lợi, chăm lo cho người lao động và người nhà của họ, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động từ thiện, các hoạt động xã hội. Thực thi trách nhiệm xã hội ở mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có những phương thức, định hướng phát triển khác nhau. Doanh nhân, với vai trò là chủ, người điều hành hoạt động của doanh nghiệp, là người có vai trò cốt yếu trong việc định hướng, thực thi trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp.
Doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội của mình theo hai cách:
Thứ nhất, doanh nhân tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp thông qua vai trò là người điều hành, quản lý của doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội với tư cách là cá nhân.
Thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nhân không còn đơn thuần là cách thức phục vụ mục tiêu kinh doanh, hiện nay xu hướng xem trách nhiệm xã hội là bổn phận của doanh nhân ngày càng được đón nhận, thực hiện. Như vậy, doanh nhân thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội với cương vị là một chủ sở hữu, lãnh đạo, quản lý, đại diện của doanh nghiệp và với tư cách là một cá nhân. Để mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, của cộng đồng và của toàn xã hội.
2. Trách nhiệm xã hội của doanh nhân tại Việt Nam trong tình hình hiện nay
2.1. Doanh nhân tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp thông qua vai trò người điều hành, quản lý của doanh nghiệp
2.1.1. Về khía cạnh kinh tế
Trách nhiệm kinh tế là việc doanh nhân với vai trò là người thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp tiến hành tối đa hóa lợi nhuận, cạnh tranh, hiệu quả và tăng trưởng. Doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, thường xuyên tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc phương thức sản xuất mới đáp ứng như cầu của xã hội ngày càng đa dạng và phong phú, nhờ đó nâng cao sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Doanh nhân Việt Nam (bao gồm cả những doanh nhân hoạt động kinh doanh ở nước ngoài) là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Họ cũng là lực lượng quan trọng góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Tạo điều kiện cho sự xuất hiện rộng rãi của những sản phẩm trong nước tại thị trường quốc tế, giúp tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Đồng thời nhập khẩu hàng hóa, chuyển giao khoa học công nghệ, phương thức kinh doanh và phương pháp quản lý kinh tế tiên tiến của thế giới về Việt Nam, từ đó tham mưu cho nhà nước về sách lược kinh tế tối ưu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với việc đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động trong xã hội. Theo đó, doanh nhân, doanh nghiệp tạo điều kiện để đảm bảo cho người lao động có thể lựa chọn một công việc phù hợp với trình độ, khả năng của họ, được làm trong môi trường lao động an toàn với mức lương tương xứng, giúp họ có một khoản thu nhập ổn định nuôi sống bản thân, gia đình và mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm cho nhiều người lao động trên các vùng miền cả nước, đặc biệt là đội ngũ công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, miền núi, kể cả thương binh, bệnh binh, người yếu thế, người khuyết tật. Theo Thông cáo báo chí Tình hình lao động việc làm trong 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê về lao động có việc làm:
“Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người,… Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới,… số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người…và ở nam giới là 26,8 triệu người… Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,6%)…; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,9 triệu người (chiếm 33,4%)…; khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số có việc làm với tỷ trọng 39,0%, tương ứng là 19,7 triệu người...”
Cũng tại Thông báo báo chí trên thống kê thu nhập của người lao động: “Thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%, tương ứng tăng 693 nghìn đồng.”. “Thu nhập của lao động làm công hưởng lương 9 tháng năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 805 nghìn đồng).”
Bên cạnh đó, đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, doanh nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý; với các bên liên đới, các đối tác đầu tư kinh doanh mang lại lợi ích và công bằng cho họ…
Qua các con số thống kê, phân tích nêu trên cho thấy doanh nhân thực hiện tốt trách nhiệm kinh tế của mình sẽ góp phần vào tăng phúc lợi xã hội, đảm bảo sự tồn tại và ngày phát triển của doanh nghiệp và đất nước.
2.1.2. Về khía cạnh pháp lý
Luật pháp là yếu tố đảm bảo cho sự vận hành thông suốt và ổn định của hoạt động doanh nghiệp. Nắm vững và thích ứng với thay đổi của pháp luật giúp doanh nhân hoạch định chiến lược đầu tư đúng đắn, phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa các nguồn lực, tận dụng các cơ hội kinh doanh và quản lý hiệu quả những rủi ro. Môi trường pháp lý tốt là nhân tố tác động đến sự thành công của các lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Vì vậy, trách nhiệm pháp lý của doanh nhân là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc theo đuổi mục tiêu kinh tế và đối với xã hội. Về căn bản, doanh nhân cần phải thực hiện tốt trách nhiệm pháp lý bao gồm 5 vấn đề: (1) Điều tiết cạnh tranh; (2) Bảo vệ người tiêu dùng; (3) Bảo vệ môi trường; (4) An toàn và bình đẳng; (5) Khuyến khích phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái.
Thứ nhất, với mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận và sự sáng tạo những thủ pháp cạnh tranh trong kinh doanh, các doanh nghiệp khi tham gia thương trường đã không ngừng tiến hành cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý lao động, quản lý sản xuất kinh doanh để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, bên cạnh những chiến lược nâng cao khả năng kinh doanh một cách chính đáng, còn phát sinh nhiều toan tính không lành mạnh nhằm tiêu diệt đối thủ để chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường, giảm bớt sức ép của cạnh tranh, nhiều thủ đoạn chiếm đoạt thị phần của người khác một cách bất chính, lừa dối khách hàng để trục lợi… Những biểu hiện không lành mạnh ấy ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn độ phức tạp trong biểu hiện, làm ô nhiễm môi trường kinh doanh của thị trường. Chính vì để đảm bảo một thị trường cạnh tranh lành mạnh, trong sạch, một xã hội công bằng góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, thì các doanh nhân và doanh nghiệp của mình phải biết điều tiết sự cạnh tranh nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người. Đồng thời, khuyến khích doanh nhân phát hiện, ngăn chặn, tố cáo đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp.
Thứ hai, để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao. Điều này buộc các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng khách hàng và thỏa mãn nhu cầu đó. Những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, nhãn mác, chất lượng và hạn sử dụng sẽ bị tẩy chay, không thể tồn tại. Nếu muốn chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng thì cần chú trọng nhiều đến sản phẩm và chất lượng dịch vụ thay vì quảng cáo quá mức về công dụng của sản phẩm. Trách nhiệm của doanh nhân đối với người tiêu dùng phải được biểu hiện trên các phương diện, đó là đảm bảo phẩm cấp, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi đưa ra thị trường; minh bạch hóa thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ. Cùng với đó, doanh nhân phải có trách nhiệm định hướng để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp mình cung cấp; cảnh báo cho khách hàng biết về những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường.
Thứ ba, Việt Nam với nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, cùng chính sách mở cửa, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp mãi chạy theo doanh thu và lợi nhuận, nên đã không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, để lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Biểu hiện là: việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất, kinh doanh; với những dây chuyền công nghệ cũ, việc sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên là một hệ quả tất yếu; lượng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh gây suy thoái, ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người; nhập khẩu những sản phẩm hàng hóa không thân thiện với môi trường cũng gây ô nhiễm môi trường. Do đó, trách nhiệm của doanh nhân với cương vị là người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo doanh nghiệp của mình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về khai thác tài nguyên mà các doanh nhân cần chủ động triển khai các giải pháp về đổi mới sáng tạo, về cải tiến công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo luôn tận dụng và tối ưu hiệu quả việc sử dụng nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mà nó còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Nếu doanh nhân làm tốt trách nhiệm này sẽ tạo ra lợi ích của cả doanh nghiệp và môi trường và xã hội, vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và lợi nhuận, vừa bảo vệ môi trường, vừa đưa xã hội tiến sâu hơn và các thực hành phát triển bền vững.
Thứ tư, bình đẳng giới trong văn hóa kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững. Hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Phụ nữ chiếm 49% lực lượng lao động (xấp xỉ với tỷ lệ này ở nam giới) nhưng họ thường làm những công việc được trả lương thấp, nặng nhọc, hoặc có mặt nhiều trong vùng kinh tế phi chính thức (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian chăm lo cho gia đình, nghỉ sinh và nuôi con. Trong kinh doanh, mới chỉ có 30% các chủ doanh nghiệp - chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - là phụ nữ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tăng cường hội nhập ở nước ta hiện nay, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước đang được triển khai, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đánh giá đúng vai trò và dành một tỷ lệ nhất định cho phụ nữ trong ban lãnh đạo của công ty để có được thuận lợi trong việc thuyết phục các cổ đông, các nhà đầu tư, thậm chí là nhân viên của họ về khả năng tăng giá trị của công ty mình và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việc duy trì tỷ lệ cân bằng giữa số lượng lao động nam nữ giúp doanh nghiệp cải thiện bình đẳng giới ở nơi làm việc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, và sự hài lòng trong công việc của người lao động.
2.1.3. Về khía cạnh bảo vệ quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp
Hiện nay, tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung của toàn xã hội để thực hiện các hành vi sai trái cả về pháp luật lẫn đạo lý đối với người lao động. Biểu hiện là tình trạng các doanh nghiệp tự ý cắt, giảm các chế độ, chính sách liên quan đối với người lao động một cách trái quy định hoặc bất hợp lý như buộc lao động nữ cam kết không mang thai khi làm việc cho doanh nghiệp hoặc buộc phải tăng ca, làm thêm giờ trái quy định... nếu không sẽ bị giảm lương, giảm thưởng. Thậm chí, một số doanh nghiệp viện những cớ không hợp lý hoặc lợi dụng tình hình khó khăn chung của xã hội mà sa thải người lao động một cách tùy tiện, trái pháp luật nhưng không đảm bảo đầy đủ quyền, lợi chính đáng, hợp pháp cho họ. Điều này không những ảnh hưởng tiêu cực, rất nghiêm trọng đối với cuộc sống, quyền lợi của người lao động mà gây ra hệ lụy tiêu cực rất lớn cho xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nhân trong doanh nghiệp là đảm bảo các nguyên tắc và quyền lợi cho người lao động tại nơi làm việc. Về căn bản, cần đảm bảo được những quyền lợi sau:
(i) Người lao động tự do lựa chọn làm việc, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề và chống phân biệt đối xử;
(ii) Đảm bảo điều kiện việc làm và bảo trợ xã hội. Điều kiện lao động bao gồm tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ lễ, kỷ luật, bảo vệ thai sản, phúc lợi và chế độ bảo hiểm xã hội;
(iii) Nghĩa vụ doanh nghiệp trong việc đảm bảo đối thoại tại nơi làm việc;
(iv) Đảm bảo sức khỏe và an toàn trong công việc cho người lao động;
(v) Đào tạo và phát triển nhân lực nơi làm việc.
Tại doanh nghiệp, doanh nhân cần phải xây dựng cho người lao động một nơi làm việc mà ở đó người điều hành, quản lý luôn bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, thiết lập một môi trường làm việc không có sự phân biệt đối xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, các bên liên quan, thành viên hoặc bất cứ ai khác mà doanh nghiệp có mối liên hệ. Đồng thời, tăng cường công tác chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất và gia đình của người lao động. Nếu doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm đó thì người lao động sẽ có cơ hội để phát triển cả về số lượng và chất lượng, Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn và có sức cạnh tranh hơn trên đấu trường quốc tế, góp phần phát triển những giá trị bền vững cho xã hội.
2.2. Doanh nhân dùng tiềm lực cá nhân thực hiện trách nhiệm xã hội
Doanh nhân Nguyễn Vinh Huy-chủ tịch sáng lập hệ thống Luật Thịnh Trí trao tặng quà cho nhân dân huyện Cần Giờ- TP.HCM.
Hoạt động của doanh nhân ngày nay không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng tạo dấu ấn với cộng đồng thông qua các hoạt động mang tính cá nhân. Doanh nhân, bằng tiềm lực về kinh tế của mình, đã tạo những ảnh hưởng cá nhân thông qua việc thực hiện các hoạt động tích cực cho doanh nghiệp, cho môi trường và xã hội. Đối với doanh nghiệp, khi thực thi một chính sách cụ thể thì trước tiên cần được sự chấp nhận của chủ sở hữu và phải thực hiện thông qua một quy trình cụ thể để doanh nghiệp có thể quản lý và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền liên quan. Trong khi đó, doanh nhân với vai trò cá nhân có thể thực hiện các hoạt động mang tính xã hội một cách linh hoạt hơn, bằng khả năng kinh tế của mình và ít chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Đại dịch Covid-19 vừa qua là thời gian để doanh nhân nhìn nhận lại giá trị của họ đối với xã hội. Trong vòng hai năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức trên phạm vi toàn quốc. Đại dịch đi qua càng làm rõ thêm doanh nhân không thể phát triển, tồn tại nếu xã hội không ổn định, phát triển. Việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở bản thân doanh nghiệp mà còn do những doanh nhân thực hiện. Ngoài ra, doanh nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong tiến trình đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN. Không những mang đến nhiều điều tốt đẹp, có giá trị cho xã hội; mà tất cả những hoạt động mang tính xã hội của doanh nhân sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp của họ. Trước tiên là tác động đến nhận thức của người lao động trong doanh nghiệp. Khi nhận thấy doanh nhân đã thực thi các hoạt động cụ thể, người lao động có thể yên tâm và đặt niềm tin hơn vào doanh nghiệp của mình, yên tâm một phần đối với xu hướng, tính cách của người lãnh đạo. Những hành động xã hội mang tính cá nhân của doanh nhân cũng tạo ra những làn sóng ủng hộ, những làn sóng này ngày càng lan rộng và tạo động lực cho bộ máy vận hành của doanh nghiệp hưởng ứng, thực hiện.
3. Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt Nam
Trách nhiệm xã hội là khái niệm còn khá mới mẻ đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam do đó để nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân cần sự phối hợp nhịp nhàng từ chính sánh của nhà nước cho đến nhận thức của doanh nhân.
Thứ nhất, nhà nước cần xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh để các doanh nhân, doanh nghiệp có định hướng thực thi. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều các hiệp định thương mại và trong đó có nhiều cam kết liên quan đến chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo các vấn đề môi trường, … Nhà nước với vai trò là cơ quan điều tiết xã hội cần ban hành một hệ quy chiếu thống nhất để doanh nghiệp có cơ sở tuân thủ, thực hiện. Trong mối quan hệ với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Nhà nước vừa là cơ quan tạo ra khung pháp lý để thực thi vừa là cơ quan điều tiết, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực thi trách nhiệm xã hội. Nhà nước cần tạo điều kiện, các môi trường kinh doanh thuận lợi, ban hành chính sách pháp luật thống nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định từ đó có thêm thời gian, nguồn lực thực thi trách nhiệm xã hội.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức doanh nhân về lợi ích của việc thực thi trách nhiệm xã hội. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng nhiều cơ quan, ban ngành tổ chức “Giải thưởng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” và “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Các hoạt động này đã có những tác động tích cực đến nhận thức của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi trách nhiệm xã hội. Tuyên truyền đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp về việc nâng cao thực thi trách nhiệm xã hội bên cạnh việc có một hệ thống đánh giá chất lượng của việc thực thi từ đó có cơ sở tuyên dương, khen thưởng. Bên cạnh đó, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các hội thảo, hội nghị, các cuộc đối thoại với người lao động nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi trách nhiệm xã hội.
Thứ ba, doanh nhân cần tạo ra một bộ phận nhân sự chuyên trách để thực thi trách nhiệm xã hội. Bộ phận chuyên trách trong doanh nghiệp về thực thi trách nhiệm xã hội sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, thu thập thông tin về các vấn đề bên trong doanh nghiệp, họ là những người tiếp xúc trực tiếp với người lao động để nghe những mong muốn về việc cải thiện môi trường lao động. Việc tiếp thu những đóng góp trực tiếp sẽ giúp việc thực thi hiệu quả và thực tế, tránh thực thi hình thức và không tác động được đến mong muốn của người lao động.
Kết luận
Trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm pháp lý bắt buộc đối với doanh nhân, doanh nghiệp mà ngày càng mang tính tự nguyện, đóng góp. Thực thi trách nhiệm xã hội ngày càng là xu hướng hội nhập, thể hiện vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình phát triển đất nước.