Thứ 2 - 7 7:45 AM - 17:15 PM
Trang chủ / Toàn bộ Sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng vào cuối năm nay
19/02/2022
1. Sau 31/12/2022, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng
Việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận ngay từ khi Luật Cư trú mới chỉ còn là dự thảo. Khi Luật được ban hành và có hiệu lực áp dụng, nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ về thời điểm chính thức bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Ảnh minh họa
Theo khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2021), thì:
- Từ ngày 01/7/2021:
+ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng
+ Không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú
+ Thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các trường hợp có thay đổi thông tin.
- Từ ngày 01/01/2023:
+ Toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.
Như vậy, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho người dân sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023 mới là thời điểm chính thức khai tử hai cuốn sổ vốn đã từng rất quan trọng này. Kể từ thời điểm này, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc chỉ có thể lưu giữ như một vật kỷ niệm của gia đình.
2. Không còn Sổ hộ khẩu, xác nhận thông tin về cư trú thế nào?
Trong gần 60 năm (từ năm 1964 đến hết 2022), Sổ hộ khẩu đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, do là loại giấy tờ cần thiết để đi làm nhiều thủ tục hành chính, giao dịch quan trọng, như: Thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn; Thủ tục làm sổ đỏ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán nhà; xác nhận tình trạng hôn nhân; ký hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng…
Cuốn sổ này chỉ còn được sử dụng trong năm 2022 và chính thức hết giá trị sử dụng từ đầu năm tới. Nhiều người dân băn khoăn về việc khi không còn Sổ hộ khẩu nữa thì khi thực hiện các thủ tục, giao dịch nêu trên phải làm thế nào?
Theo Luật Cư trú 2019, kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, mọi thông tin liên quan đến cư trú được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi người dân nhập hộ khẩu, xóa hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… đều được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được viết tay trong cuốn Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như trước đây.
Nghị định 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn người dân có thể khai thác các thông tin về cư trú của mình bằng văn bản yêu cầu, bằng dịch vụ tin nhắn hoặc bằng cách truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
3. Có thể dùng Căn cước gắn chip thay cho Sổ hộ khẩu?
Ngay từ khi có thông tin sẽ xóa bỏ Sổ hộ khẩu, có nhiều luồng thông tin cho rằng Căn cước công dân gắn chip sẽ được sử dụng để thay thế Sổ hộ khẩu. Căn cước công dân gắn chip được cho là tích hợp nhiều thông tin liên quan đến người dân, trong đó có thông tin về cư trú.
Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, được biết, khi cơ sở dữ liệu của các bộ, ban, ngành được hoàn thiện và kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân mới có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho Sổ hộ khẩu.
Tức là khi đi làm các thủ tục hành chính, người dân chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip, mọi thông tin về cư trú của người dân sẽ được “quét” trên thẻ thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu như trước đây.
Chưa có lộ trình cụ thể nào cho việc thay thế này, hy vọng khi Sổ hộ khẩu chính thức được bãi bỏ vào đầu năm 2023, người dân có thể sử dụng thẻ Căn cước để thay thế.
Nguồn Luật Việt Nam