Trang chủ / Thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

28/11/2024


Chiều 26/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý đối với 02 Luật vừa được thông qua:
(1) Đối với Luật Công chứng (sửa đổi)
Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
Đối với giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Về văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh;
Tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Về tổ chức hành nghề công chứng sẽ bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Đã thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Ảnh minh họa)

(2) Đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Theo quy định của Luật này, đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị. Việc xác định tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về phân loại đô thị bảo đảm các xu hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn được sử dụng đối với các công việc:
    Khảo sát địa hình phục vụ lập quy hoạch đô thị và nông thôn;
    Lập và điều chỉnh, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn;
    Quản lý nghiệp vụ công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn;
    Công bố, công khai quy hoạch đô thị và nông thôn; Cắm mốc theo quy hoạch đô thị và nông thôn;
    Lập báo cáo rà soát quy hoạch;
    Tổ chức đấu thầu; tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch; lấy ý kiến về quy hoạch;
    Xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn; Công việc khác liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Cùng ngày Quốc hội cũng đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng.

Nguồn Luật Việt Nam.