Trang chủ / Mua chung cư có được hủy hợp đồng đặt cọc?

Mua chung cư có được hủy hợp đồng đặt cọc?

06/05/2022


Các bên thường chọn giải pháp đặt cọc để tạo niềm tin cho nhau trước khi làm hợp đồng mua bán chung cư. Nhưng nếu đã đặt cọc mà sau đó đổi ý không muốn mua nữa thì có hủy hợp đồng đặt cọc được không?

Các bên thường chọn giải pháp đặt cọc để tạo niềm tin cho nhau trước khi làm hợp đồng mua bán chung cư. Nhưng nếu đã đặt cọc mà sau đó đổi ý không muốn mua nữa thì có hủy hợp đồng đặt cọc được không?

Theo khoản 3 Điều 292 Bộ luật Dân sự, đặt cọc nói chung và đặt cọc mua chung cư nói riêng là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Sau khi các bên đặt cọc mua chung cư, trong một khoảng thời gian thoả thuận, bên đặt cọc (bên mua) phải trả hết số tiền mua chung cư cho bên nhận cọc (bên bán) và bên bán giao quyền sở hữu căn hộ này cho bên mua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu đã đặt cọc nhưng sau đó một trong hai bên "đổi ý" và huỷ cọc thì sẽ được giải quyết theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

- Thực hiện việc mua bán: Tiền cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc trừ vào số tiền mua chung cư lúc ban đầu. Trường hợp này, người mua chỉ phải trả nốt số tiền còn thiếu sau khi đã trừ đi tiền đặt cọc.

- Bên bán không muốn bán căn hộ chung cư sau khi các bên đã ký hợp đồng đặt cọc: Bên bán phải trả cho bên mua hai lần số tiền đặt cọc trừ trường hợp các bên có thoả thuận không phải trả cọc hoặc số tiền phải trả cao hơn.

- Bên mua không muốn mua căn hộ chung cư sau khi đã thực hiện hợp đồng đặt cọc: Số tiền đã đặt cọc trước đó sẽ thuộc về bên bán. Nếu hai bên có thoả thuận khác (ví dụ như ngoài số tiền cọc bị mất, bên mua phải trả thêm cho bên bán một khoản tiền nữa) thì các bên phải thực hiện theo thoả thuận này.

Nếu các bên thoả thuận về việc cho phép một trong hai bên huỷ đặt cọc hoặc phải bồi thường, thì thực hiện theo thoả thuận của các bên. Ngược lại nếu không có thoả thuận thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự như trên.