Thứ 2 - 7 7:45 AM - 17:15 PM
Trang chủ / Hiểu đúng việc ghi tên người dự định cưới vào Giấy xác nhận độc thân
20/07/2020
Giấy xác nhận độc thân hay chính xác là Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn hoặc sử dụng vào mục đích khác (theo khoản 2 Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).
Trước tiên, cần khẳng định việc ghi tên của người dự định kết hôn trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không phải quy định mới. Bởi lẽ:
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP (có hiệu lực từ ngày 25/03/2010), trong trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ kết hôn với ai, ở đâu.
Sau đó, tại khoản 5 Điều 25 Thông tư 15/2015/TT-BTP (thay thế Thông tư 08a từ ngày 02/01/2016) cũng quy định, trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn.
Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP (thay thế Thông tư 15/2015, có hiệu lực từ ngày 16/7/2020):
Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp 01 bản cho người yêu cầu.
Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.
Từ những căn cứ trên, một lần nữa xin khẳng định quy định ghi tên người dự định kết hôn trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ là kế thừa quy định của 02 Thông tư trước đó, không phải là quy định mới bắt đầu được áp dụng từ ngày 16/7.
Đồng thời, chỉ phải ghi tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn khi sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vào mục đích kết hôn.
Còn lại, các trường hợp sử dụng vào mục đích khác như mua bán nhà, du học, du lịch, lao động… thì trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.
Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục mua bán nhà, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.
Việc ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn được quy định nhằm mục đích sau:
- Thứ nhất, để kiểm tra, xác minh trong trường hợp có yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Quy định này đã khắc phục được bất cập tại Thông tư 15/2015/TT-BTP đối với trường hợp yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn nhưng không nộp lại được Giấy xác nhận đã được cấp trước đó.
Theo đó, người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh.
Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân theo quy định.
- Thứ hai, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là phụ nữ khi yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
- Thứ ba, góp phần đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi bên nam/nữ đối với hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn.
Như vậy, việc ghi tên người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân dùng để đăng ký kết hôn đã được thực hiện từ lâu, hoàn toàn không phải quy định mới.
Nguồn: Luật Việt Nam