Trang chủ / Giải đáp 25 vướng mắc về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Giải đáp 25 vướng mắc về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

29/08/2023


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại Công văn 6248/NHNN-TD ngày 09/8/2023.

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước có nhận được một số ý kiến của tổ chức tín dụng đề nghị được giải đáp, hướng dẫn rõ hơn về cách hiểu tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Để đảm bảo việc thực hiện Thông tư 02 thống nhất trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến giải đáp về 25 vấn đề do tổ chức tín dụng kiến nghị.

Một số nội dung đáng chú ý như:

- Hướng dẫn điều kiện dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ:

Điều 4 Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ đáp ứng các quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 4 Thông tư 02.

Theo đó, số dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ lãi phát sinh từ “dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính” và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/06/2024.

- Giải thích “hợp đồng, thỏa thuận”, “ngày đến hạn” quy định tại Điều 4 Thông tư là hợp đồng, thỏa thuận và lịch trả nợ ban đầu khi cấp tín dụng hay hợp đồng, thỏa thuận và lịch trả nợ đang có hiệu lực tại thời điểm xem xét cơ cấu nợ:

“Hợp đồng”, “thỏa thuận”, “ngày đến hạn” quy định tại Điều 4 Thông tư 02 là hợp đồng, thỏa thuận, ngày đến hạn của lịch trả nợ đang có hiệu lực theo hợp đồng, thỏa thuận của tổ chức tín dụng với khách hàng tại thời điểm xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Giải đáp 25 vướng mắc về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Giải đáp 25 vướng mắc về cơ cấu lại thời hạn trả nợ (Ảnh minh họa).

- Hướng dẫn rõ tiêu chí “doanh thu, thu nhập”:

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định về doanh thu, thu nhập của doanh nghiệp (thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, thu nhập tính thuế,…). Do vậy, tiêu chí “thu nhập” có áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp.

Tiêu chí “doanh thu, thu nhập” tại Thông tư 02 là doanh thu, thu nhập của khách hàng đã được tổ chức tín dụng thẩm định làm cơ sở để xác định kế hoạch trả nợ (lịch trả nợ) gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận của tổ chức tín dụng với khách hàng đang có hiệu lực tại thời điểm xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Khi xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02, tổ chức tín dụng căn cứ vào sự sụt giảm doanh thu, thu nhập phù hợp với doanh thu và/hoặc thu nhập đã được tổ chức tín dụng thẩm định để xác định phương án, kế hoạch trả nợ (lịch trả nợ) gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận của tổ chức tín dụng với khách hàng.

Nguồn Luật Việt Nam.