Trang chủ / Đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm hành vi gian lận thuế

Đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm hành vi gian lận thuế

29/10/2021


Thời gian qua, tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc phát hiện và xử lý mà còn gây áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nhằm chống thất thu cho ngân sách. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, PGS.TS Lê Xuân Trường (ảnh), Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đấu tranh phòng chống có hiệu quả với các hành vi gian lận về thuế.

Xin ông cho biết những “chiêu trò” gian lận hoàn thuế GTGT đã được cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh thành công trong thời gian qua?

- Có khá nhiều thủ đoạn, mánh khóe gian lận hoàn thuế GTGT đã bị cơ quan chức năng vạch trần trong thời gian qua, tiêu biểu là các hành vi: Giả mạo hồ sơ XK hàng hóa, dịch vụ XK khống; quay vòng hàng hóa để XK nhiều lần đối với một lô hàng; thành lập DN “ma” chỉ để bán hóa đơn cho DN khác nhằm hợp thức hóa đầu vào của DN mua hóa đơn (bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ) hay thành lập các DN “ma” chỉ để cấp hóa đơn đầu vào hợp thức hóa cho một DN bán hàng hóa nhập lậu…

Vụ gian lận đã bị cơ quan điều tra phát hiện và đưa ra truy tố trước pháp luật đối với Công ty Cổ phần thương mại xăng dầu Phát ở Hải Phòng tháng 9/2020 chính là một ví dụ điển hình về việc thành lập DN “ma” nhằm gian lận thuế GTGT đầu vào.

Thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế GTGT Ảnh: S.T
Thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế GTGT Ảnh: S.T

Tình trạng gian lận thuế GTGT đã diễn ra phức tạp nhiều năm qua, vậy giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT, thưa ông?

- Điều này chúng ta đã quán triệt rất rõ trong thời gian vừa qua. Trước hết là, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thuế GTGT và quản lý thuế để bịt các lỗ hổng pháp lý, ngăn ngừa các đối tượng gian lận lợi dụng chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Thứ hai là tăng cường và nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để giám sát và phát hiện sớm các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật về hoàn thuế GTGT nói riêng. Thứ ba là nâng cao hiệu quả và đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế. Thứ tư là tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm về thuế và cuối cùng là xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Tôi cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt cả về hành chính và hình sự đối với hành vi gian lận thuế GTGT là rất nghiêm minh. Trong đó, Luật Quản lý thuế, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Bộ luật Hình sự đều có quy định rất rõ ràng về các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là công tác tổ chức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Thực tế cho thấy có nơi, có thời điểm hiệu quả phát hiện tội phạm chưa cao, chưa kịp thời. Thêm vào đó, sức hút của đồng tiền phi pháp quá lớn nên đã làm mờ mắt một bộ phận người nộp thuế nên tình hình gian lận hoàn thuế GTGT thời gian qua có giảm nhưng vẫn khá phức tạp.

Theo tôi, để hạn chế tối đa hành vi gian lận này, thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế và công tác điều tra của cơ quan chức năng nhằm phát hiện sớm và xử lý kiên quyết, kịp thời một cách triệt để các hành vi gian lận thuế GTGT.

Nhận diện và giải pháp chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng- Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm hành vi gian lận

Thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế GTGT Ảnh: S.T

Ngoài chế tài bằng chính sách pháp luật, theo ông cơ quan chức năng cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm này?

- Theo tôi, có hai việc quan trọng cần triển khai để nâng cao hiệu quả tối đa hơn nữa trong công tác phát hiện và xử lý. Đó là, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần nâng cao hiệu quả phát hiện các hành vi gian lận thông qua các biện pháp nghiệp vụ trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện bởi một đội ngũ công chức liêm chính và có trình độ chuyên môn cao.

Song song với đó, các cơ quan quản lý cần phải đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền thuế để DN và người dân hiểu về nghĩa vụ thuế, hiểu hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế GTGT nói riêng. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền để quần chúng nhân dân ủng hộ và tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về thuế.

Xin cảm ơn ông!

Luật sư, Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni:
 

Các vụ chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đều là những vụ việc lớn, DN thực hiện trong thời gian dài, với số thuế chiếm đoạt của ngân sách nhà nước rất lớn, có những vụ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Qua đó cho thấy, thủ đoạn của DN gian lận hoàn thuế GTGT rất tinh vi. Chính vì thế muốn ngăn chặn được hành vi này cán bộ làm công tác hoàn thuế phải nhanh nhạy phát hiện những bất thường của DN. Chẳng hạn như trường hợp của Thuduc House, chuyên kinh doanh về lĩnh vực bất động sản, nhưng lại làm thủ tục hoàn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế GTGT liên quan đến việc XK con chíp điện tử. Đây được coi là dấu hiệu bất thường để đặt nghi vấn khi DN làm thủ tục hoàn thuế. Hiện nay, theo yêu cầu của cơ quan Thuế, hầu hết các DN đều sử dụng hóa đơn điện tử. Theo tôi, việc quản lý hóa đơn thuế có mã xác thực, hoặc quản lý theo mã QR để quản lý tốt hóa đơn, hàng hóa đầu vào, đầu ra, hạn chế việc mua bán khống, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Ông Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam:

Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, hoàn thiện chính sách thuế GTGT theo hướng: áp dụng thống nhất một phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ, từ đó tiến đến thống nhất một loại hoá đơn GTGT. Thu hẹp đối tượng hoàn thuế có khả năng đưa đến gian lận, như đối với trường hợp XK hàng hoá, dịch vụ….

Ngoài ra, hoàn thiện phương thức quản lý thu thuế GTGT bằng áp dụng với hiệu suất tối đa các thành tựu của công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế GTGT, nối mạng vi tính trên toàn quốc gia nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra; hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế GTGT theo hướng đơn giản, khoa học, hiệu quả. Rà soát lại các sơ hở trong hoàn thuế GTGT dễ đưa đến hiện tượng bòn rút tiền của nhà nước. Việc thanh toán qua ngân hàng và tin học hoá công tác tài chính - kế toán của DN có thể được xem là một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ… Song song với đó cần khen thưởng thích đáng, kỷ luật nghiêm minh trong công tác hành thu và chấp hành luật thuế.

Bên cạnh đó, khi có phát hiện bất thường trong kỳ báo cáo hóa đơn GTGT thì phải có thanh tra, kiểm tra ngay, kịp thời để xác minh, làm rõ để kiểm tra, ngăn chặn từ xa. Nên khôi phục lại việc kê khai thuế GTGT phải kèm bảng kê mua vào và bán ra, khi kê khai thuế. Quy định này buộc kế toán phải gõ số hóa đơn, ngày tháng năm, số tiền hàng, tiền thuế… mua bán với đơn vị nào? Cơ quan Thuế kiểm tra nhanh trong trường hợp doanh thu cao bất thường cũng rất dễ dàng.

Với các quy định xử phạt hiện nay, theo tôi chưa đủ răn đe, do đó, để ngăn chặn các hành vi trục lợi này, ngoài việc tăng mức phạt tiền, phạt tù cao hơn nữa, thì cơ quan quản lý nên bổ sung thêm các quy định để hạn chế thấp nhất việc gian lận.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn, Hội viên danh dự câu lạc bộ Đại lý thuế:

Nghiên cứu quá trình phát hiện gian lận hoàn thuế, trong thời gian dài cho thấy, các biện pháp đấu tranh ngăn chặn của cơ quan Thuế chỉ hạn chế được đối với những hồ sơ có số tiền hoàn thuế nhỏ, DN hoạt động kinh doanh đơn lẻ. Các hồ sơ bị phát hiện gian lận hoàn thuế gần đây, cho thấy thủ đoạn gian lận hoàn thuế ngày càng tinh vi, đối tượng tổ chức DN thành hệ thống với nhiều tầng lớp, hoạt động ở nhiều địa phương, nhằm mục đích rõ rệt là che giấu gian lận hoàn thuế.

Tôi cho rằng, một trong những tồn tại của cơ quan thuế là cách thức phân công cán bộ kiểm soát hồ sơ hoàn thuế GTGT. Cán bộ đang đảm đương đủ thứ công việc về thủ tục hành chính thuế của hàng loạt DN, phải đảm trách luôn việc kiểm soát hồ sơ hoàn thuế GTGT của một số DN. Nghĩa là, không có đội ngũ cán bộ chuyên trách cho công việc kiểm soát hồ sơ hoàn thuế. Do đó, không có tích lũy sâu được kiến thức và kỹ thuật kiểm soát hồ sơ hoàn thuế; không có thời gian xem xét, truy tìm và xác minh thông tin trong hồ sơ.

Theo đó, giải pháp chống thất thu hoàn thuế GTGT, cơ quan Thuế nên nghiên cứu tổ chức thành các đội chuyên trách giải quyết hồ sơ hoàn thuế của từng quận/thành phố. Như vậy mới có thế nâng cao được hiệu quả kiểm soát từng hồ sơ và xây dựng được một hệ thống đấu tranh chống gian lận hoàn thuế, kết nối với cả nước và với các cơ quan chức năng khác.

Lê Thu-Thu Dịu (ghi)

H.Nụ (thực hiện)

Nguồn Tạp chí Hải Quan Online