Thứ 2 - 7 7:45 AM - 17:15 PM
Trang chủ / Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong Tòa án nhân dân
10/12/2021
Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong Tòa án nhân dân, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, nguyên tắc chuyển đổi, thẩm quyền chuyển đổi, phương thức và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong Tòa án nhân dân nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Quy định này áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đang công tác tại Tòa án nhân dân các cấp, có vị trí làm việc trong các lĩnh vực công tác quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý các dự án; công tác tổ chức cán bộ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi đua khen thưởng; giáo dục đào tạo hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Việc luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện định kỳ, thường xuyên, áp dụng đối với công chức, viên chức được bố trí vào các vị trí công tác thuộc các lĩnh vực hoặc bộ phận công tác quy định.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 3 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng công việc, lĩnh vực.
Đối với vị trí định kỳ phải chuyển đổi công tác có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác, cần có tính ổn định, kết hợp đào tạo chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực công tác và công chức, viên chức công tác tại vị trí này có năng lực, uy tín, hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên thì lãnh đạo đơn vị có thể quyết định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác nhiều hơn 5 năm.
Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác
Quyết định cũng quy định cụ thể phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác như sau: Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách quản lý hoặc giữa các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý thuộc đơn vị của Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác phải được tập thể lãnh đạo và cấp ủy của đơn vị thông qua dự thảo; được công bố công khai trong thời hạn 15 ngày để toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia đóng góp ý kiến; sau khi tập hợp các ý kiến đóng góp, tập thể lãnh đạo và cấp ủy thảo luận thông qua và báo cáo lãnh đạo trực tiếp phụ trách đơn vị.
Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng quyết định điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của Tòa án nhân dân.
Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức được thông báo công khai cho công chức, viên chức thuộc diện phải chuyển đổi biết trước 30 ngày, tính từ ngày bắt đầu chuyển đổi vị trí công tác.
Quyết định cũng quy định cụ thể các trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác gồm: 1- Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; 2- Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; 3- Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; 4- Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ chết hoặc trong trường hợp khách quan khác, trừ trường hợp theo nguyện vọng của công chức, viên chức.
Minh Châu
Nguồn Báo điện tử Chính phủ