Trang chủ / Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

05/04/2024


Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 03 năm 2024.

Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật và mục tiêu của 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

- Tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường tính chủ động của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; hoàn thiện cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thuyết minh rõ trong hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật về việc bảo đảm tính tương thích của nội dung chính sách với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

- Rà soát kỹ tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật để thuyết minh rõ việc không quy định nội dung “sử dụng vốn nhà nước” trong tên gọi và phạm vi điều chỉnh, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật.

Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

- Đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với việc mở rộng đối tượng áp dụng bao gồm “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác”.

- Về phạm vi nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp: thuyết minh rõ lý do đề xuất bổ sung phạm vi đầu tư vốn vào một số ngành nghề, lĩnh vực mới.

- Về trình tự, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư: nghiên cứu cụ thể hóa quy trình phê duyệt dự án đầu tư của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tách bạch quy trình phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật này với quy trình quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển: nghiên cứu việc tăng tỷ lệ tối đa trích lập Quỹ đầu tư phát triển để bảo đảm sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hằng năm, qua đó nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của nhà nước.

- Thuyết minh rõ lý do đề xuất quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng; Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với trường hợp giá trị đầu tư từ 15.000 tỷ đồng trở lên.

- Nghiên cứu, bổ sung giải pháp cụ thể, rõ ràng để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế như:

    + Sáp nhập công ty con vào công ty mẹ;

    + Phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp;

    + Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác không đáp ứng được điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán;

    + Cơ chế đánh giá, xếp loại đối với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao không vì mục tiêu lợi nhuận…

Nguồn Luật Việt Nam.