Trang chủ / Đã có toàn văn Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 01/7/2024

Đã có toàn văn Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 01/7/2024

21/02/2024


LuatVietnam đã cập nhật Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gồm XV Chương với 210 Điều Luật.

Một trong những quy định mới đáng chú ý tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải công khai cung cấp các thông tin:

- Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này;

- Thông tin về người có liên quan;

- Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại tổ chức tín dụng đó;

- Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại tổ chức tín dụng đó.

Tổ chức tín dụng phải niêm yết, lưu giữ thông tin của các cổ đông này tại trụ sở chính của tổ chức tín dụng và gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.

Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng công bố thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.

Đối tượng cung cấp, công bố công khai thông tin phải bảo đảm thông tin cung cấp, công bố công khai trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp, công bố công khai thông tin đó.

Đã có toàn văn Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 01/7/2024

Đã có toàn văn Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 01/7/2024 (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 còn giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong tổ chức tín dụng so với quy định trước đây. Cụ thể:

- Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây quy định là 15%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

- Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây quy định là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đồng thời, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa do Chính phủ quy định cụ thể.

Các cổ đông, cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước ngày 01/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Nguồn Luật Việt Nam.