Trang chủ / Bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi thi hành công vụ có thiệt hại do rủi ro khách quan

Bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi thi hành công vụ có thiệt hại do rủi ro khách quan

22/05/2025


Nội dung này được đề cập tại Nghị quyết 139/NQ-CP 2025 triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế phát triển kinh tế tư nhân.

Cụ thể, nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15, về xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh, tại Nghị quyết 139/NQ-CP, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành.

Theo đó, tại khoản đ mục 2 Nghị quyết 139/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Nội vụ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

- Rà soát, hoàn thiện Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm:

    Quy định cụ thể trách nhiệm của công chức, người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính;

    Bổ sung chế tài xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức;

    Bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan;

    Bổ sung hướng dẫn về trách nhiệm công vụ của người đứng đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp gắn với công tác thi đua, khen thưởng.

- Thời hạn hoàn thành các nội dung nêu trên là trong giai đoạn 2025-2026

Bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cán bộ khi thi hành công vụ (Ảnh minh họa)

Ngoài Bộ Nội vụ, một số bộ, ngành cũng được phân công các nhiệm vụ liên quan nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế tư nhân:

- Bộ Tư pháp được giao sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo có chế tài xử lý nghiêm các hành vi cạnh tranh không bình đẳng, thao túng, trục lợi chính sách, kiểm soát chặt chẽ việc quy định điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.

- Thanh tra Chính phủ được yêu cầu:

    Rà soát, sửa đổi Luật Thanh tra, bổ sung cơ sở pháp lý cho thanh tra trên môi trường điện tử, giữ nguyên tắc mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh không bị thanh tra quá 01 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng;

    Chấm dứt tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lắp, công khai kế hoạch thanh tra, đẩy mạnh thanh tra từ xa, trên nền dữ liệu điện tử;

    Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Nguồn Luật Việt Nam.