Trang chủ / Cách tính và chi trả lương trong đại dịch Covid-19

Cách tính và chi trả lương trong đại dịch Covid-19

26/07/2021


Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp làm lực lượng lao động trong doanh nghiệp xáo trộn, trong đó không ít công nhân bị ngưng việc, cho thôi việc. Dưới đây là giải đáp của Hệ thống Luật Thịnh Trí với một số câu hỏi bạn đọc đã chuyển đến Doanh Nhân Sài Gòn liên quan đến tiền lương.

Hỏi: 

Tôi đang làm việc tại TP. HCM, đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) vô thời vói một công ty cổ phần, do dịch Covid-19, TP.HCM áp dung Chỉ thị 16, tôi và các anh chị em khác bị công ty cho ngừng việc, một số bị đưa vào khu cách ly tập trung. Cho tôi hỏi, trong thời gian tạm ngừng việc, tôi có được trả lương, hỗ trợ lương? 

Trả lời:

1. Về tiền lương:

Đối với trường hợp người lao động (NLĐ) ngừng việc do phải đi cách ly tập trung, giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc sẽ do thỏa thuận theo quy định sau:

+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

2. Trường hợp phải ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Lựa chọn 1 trong các phương án sau:

Phương án 1: Thỏa thuận với NLĐ (là F1, F2 và các đối tượng khác phải ngừng việc) để trả lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu:

- Căn cứ Điểm a, Khoản 3, Điều 99, Bộ Luật Lao động: “a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

- Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) theo các quy định sau:

 + Tại Khoản, 5 Điều 58, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định: “5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của NLĐ” được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương;

+ Tại Khoản 6 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc: “6. Trong thời gian NLĐ ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc”.

+ Căn cứ Khoản 8 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017của Bảo hiểm xã hội Việt Nam:: “8. NLĐ ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì NLĐ và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc”.

 Lưu ý:

 - NLĐ là các đối tượng tại Khoản 1 nêu trên sẽ không được trả lương ngừng việc nếu có hành vi trực tiếp gây ra lỗi dẫn đến phải cách ly hoặc giãn cách xã hội. Việc xác định lỗi này được thực hiện bởi văn bản của cấp có thẩm quyền (ví dụ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định khởi tố bị can);

 - NLĐ phải giãn cách xã hội theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền vẫn làm việc qua mạng (online) bình thường thì NSDLĐ trả lương và các chế độ khác theo quy định.

Phương án 2: Thỏa thuận với NLĐ (là F1, F2 và các đối tượng khác phải ngừng việc) để thực hiện chế độ nghỉ hằng năm theo quy định:

- Khoản 4 Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019: “4. NSDLĐ có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của NLĐ và phải thông báo trước cho NLĐ biết. NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần”.

 - Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019: “Trong thời gian nghỉ hằng năm, NLĐ được hưởng nguyên lương theo HĐLĐ tại thời điểm NLĐ nghỉ hằng năm.

 - Khoản 9, Điều 65, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định:“9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ” được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ.

 - NSDLĐ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo quy định (tương tự như phương án 1 nêu trên).

3. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc công ty có các phương án trả lương cho NLĐ:

Phương án 1: Căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể, đề xuất NSDLĐ trả lương cho NLĐ (là F1, F2 và các đối tượng phải ngừng việc khác) theo Điểm b, Khoản 3, Điều 99, Bộ Luật Lao động 2019: “b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên 

- Đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo các quy định tương tự như Khoản 1.1 nêu trên.

 Phương án 2: Tạm ứng lương, bố trí NLĐ (là F1, F2 và các đối tượng phải ngừng việc) làm bù vào các ngày trong năm.

 - Đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo các quy định tương tự như Khoản 1.1 nêu trên.

Phương án 3: Trường hợp do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả, NSDLĐ có thể thoả thuận tạm hoãn HĐLĐ cho đến khi hết thời hạn cách ly, giãn cách xã hội.

- Căn cứ Điểm h, Khoản 1, Điều 30, Bộ Luật Lao động, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ: “Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận”, không hưởng lương hoặc hưởng lương nếu hai bên có  thỏa thuận. Trường hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ.

Lưu ý: 

Theo dõi, nắm bắt kịp thời các quy định của BHXH Việt Nam để phổ biến cho NLĐ, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Nguồn: DoanhNhanSaiGon