Trang chủ / 05 nội dung người dân cần lưu ý khi sử dụng CMND/CCCD

05 nội dung người dân cần lưu ý khi sử dụng CMND/CCCD

18/09/2020


Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD) là giấy tờ rất quan trọng để xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của mỗi công dân. Theo đó, khi sử dụng CMND/CCCD người dân cần lưu ý 05 nội dung sau.

Thứ nhất: Đối tượng được cấp CMND/CCCD

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân.

Tại Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD và số thẻ CCCD là số định danh cá nhân. Đồng thời, CMND đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD.

Thứ hai: Thời hạn sử dụng CMND/CCCD

CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp. (theo Điểm 4 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13))

Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Ngoài ra, trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. ( theo Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014)

Thứ ba: Giá trị sử dụng của CMND và CCCD

- Đối với giá trị sử dụng của CMND:

Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 05/1999/NĐ-CP và Điểm 3 Mục I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định về việc sử dụng CMND như sau:

  • Công dân được sử dụng CMND của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch. Mọi công dân phải có trách nhiệm mang theo CMND và xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Số CMND được dùng để ghi vào một số loại giấy tờ khác của công dân. Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp... CMND
  • Trường hợp mất CMND đã được cấp lại CMND khác, nếu tìm thấy CMND đã mất thì phải nộp lại cho cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp lại, người nào nhặt được giấy CMND của người khác phải nộp cho cơ quan Công an. Nghiêm cấm một người sử dụng hai hoặc nhiều CMND.

- Đối với giá trị sử dụng của CCCD:

CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ CCCD như sau:

  • Thẻ CCCD được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
  • Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin được xác minh khi khai báo để làm thẻ CCCD.

Thứ tư: Những trường hợp đổi, cấp lại CMND và CCCD

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, công dân đổi, cấp lại CMND trong  những trường hợp sau:

  • Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
  • Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
  • Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
  • Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Đồng thời, trường hợp bị mất CMND thì người dân phải làm thủ tục cấp lại.

Tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, thẻ CCCD được đổi, cấp lại trong các trường hợp sau đây:

  • Thẻ Căn cước công dân được đổi khi: Công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Khi công dân có yêu cầu.
  • Thẻ Căn cước công dân được cấp lại khi bị mất thẻ Căn cước công dân và được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Thứ năm: Trường hợp bị xử phạt khi sử dụng CMND/CCCD

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng CMND như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi:

  • Không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
  • Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND;
  • Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ CMND khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:

  • Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
  • Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;
  • Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND; Làm giả CMND; Sử dụng CMND giả.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Nguồn: Theo ThuKyLuat.vn