Trang chủ / 05 lý do NLĐ không nên nhận tiền BHXH một lần

05 lý do NLĐ không nên nhận tiền BHXH một lần

14/11/2020


Dưới tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho một lượng lớn người lao động thất nghiệp trong thời gian dài. Vì chẳng biết đến khi nào họ mới có thể trở lại với công việc và chẳng biết tiền từ đâu để sinh hoạt, nhiều người đã chọn chách rút tiền BHXH một lần. Thế nhưng, việc này đã gây ảnh hưởng lớn quyền lợi lâu dài của người lao động bởi những lý do sau đây.

(1) Không được cộng nối thời gian đóng BHXH

Cụ thể được quy định tại điều 61 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

“Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, nếu NLĐ nhận tiền BHXH một lần và sau này tham gia lại sẽ không được tính cộng nối vào thời gian đã đóng trước đây mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Hơn nữa, việc đó đã làm cho NLĐ không đủ điều kiện để được hưởng lương hưu.

(2) Không được chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi nghỉ hưu

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã quy định những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.. thì được cơ quan BHXH đóng bảo hiểm y tế miễn phí. Lúc về già, NLĐ không may gặp những vấn đề về sức khỏe thì không phải lo lắng nhiều về chi phí khám chữa bệnh vì đã có thẻ bảo hiểm y tế. Ngược lại, NLĐ đã nhận tiền BHXH một lần thì phải tự lo tất cả chi phí cho vấn đề khám chữa bệnh của bản thân.

(3) Nhận tiền BHXH ít hơn so với tiền đóng

Hàng tháng, NLĐ phải đóng 8%  mức tiền lương tháng và người sử dụng lao động  đóng 14% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ tổng cộng số tiền đóng vào quỹ BHXH là 22% theo quy định tại điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH. Tức là, 01 năm đóng BHXH là 22% x 12 tháng = 2.64 tháng lương.

Tuy nhiên, số tiền mà NLĐ nhận được sẽ là 1,5 tháng mức bình quân tiền lương hoặc 02 tháng mức bình quân tiền lương được quy định ở Khoản 2 điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

"2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội."

Như vậy, mức tiền nhận bhxh sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức tiền đã đóng trước đó.

(4) Không được hưởng trợ cấp mai táng và tử tuất

Với trợ cấp mai táng

NLĐ đang đóng BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và người đang hưởng lương hưu khi qua đời thì được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người đó chết.

Với trợ cấp tử tuất

NLĐ đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, đang hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng BHXH chết thì thân nhân của người này như con chưa đủ 18 tuổi, Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên… sẽ được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng theo quy định tại điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Từ đó, nếu NLĐ nhận tiền BHXH một lần thì đã đánh mất đi những quyền lợi đáng có cho việc trợ cấp mai táng và tử tuất.

(5) Mất đi quyền lợi lâu dài đối với lương hưu

NLĐ tham gia BHXH khi đến tuổi nhận lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo mức tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng không ít đến quyền lợi vì lương hưu được nhận trong khoảng thời gian dài.

Đôi khi chỉ vì cái lợi trước mắt mà NLĐ đánh mất đi những quyền lợi lâu dài từ BHXH. Hơn nữa, không những bản thân mà còn cả những người thân của NLĐ cũng bị đánh mất đi quyền lợi. Thế nên, hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra quyết định về nhận tiền BHXH một lần.

Căn cứ pháp lý

Điều 60, 61, 63, 67, 68 Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018.